Trương Bảo Cao tham gia Vũ Ninh quân nhà Đường trấn áp phản loạn Lý Sư Đạo Trương_Bảo_Cao

Thời điểm này Lý Sư Đạo đã kiểm soát kênh Đại Vận Hà và cả vùng Sơn Đông nhà Đường. Mùa hạ năm 815, nhóm giặc cướp thường được Lý Sư Đạo cử tới vùng phụ cận Lạc Dương cướp bóc. Tại Trường An, nhiều đại thần nhà Đường khuyên dừng chiến dịch đánh Sở mà tập trung bảo vệ Đông Đô, nhưng vua Đường Hiến Tông không theo.

Triều đình nhà Đường tổ chức các cánh quân đi trấn áp phản quân Lý Sư Đạo. Ở tỉnh Giang Tô thành lập Vũ Ninh quân (nay là Từ Châu, tỉnh Giang Tô) do Tể tướng Đỗ Nguyên Hoành chỉ thị. Đỗ Nguyên Hoành đích thân đến Dương Châu gặp Tiết Bình yêu cầu các thương đoàn Tân La làm quân thương cho triều đình nhà Đường mà không có tiền lãi, khi nào dẹp xong Lý Sư Đạo mới trả lãi. Tiết Bình và Triệu Tương Kiến đồng ý, còn Jami phu nhân và các thương gia Tân La khác không đồng ý việc này.

Lúc này Lý Đạo Hình và Yeom Mun đã đi theo Lý Sư Đạo ở Sơn Đông. Lý Sư Đạo phái Yeom Mun cùng các sát thủ đi ám sát Tể tướng Đỗ Nguyên Hoành, người chủ trương đánh Thái và hiện đang phụ trách việc hậu cần cho chiến dịch. Yeom Mun cùng các sát thủ đến Trường An. Kết quả Đỗ Nguyên Hoành bị giết trên đường tới triều, Tể tướng nhà Đường khác là Bùi Độ cũng suýt mất mạng. Ban đầu triều đình nhà Đường cho rằng sát thủ là do Vương Thừa Tông phái tới, nên quyết định thảo phạt Thành Đức. Sứ giả Hằng châu bị bắt giữ và tra tấn rất dã man nên khai bừa là chủ mình âm mưu giết Đỗ Nguyên Hoành. Do đó, vua Đường Hiến Tông tước hết quan tước của Vương Thừa Tông, chuẩn bị thảo phạt Thành Đức. Bọn sát thủ của Lý Sư Đạo nhanh chân trốn thoát và không ai nghi ngờ Lý Sư Đạo làm cả. Một số đại thần lấy việc này để xin dừng đánh Sở và cách chức Bùi Độ, vua Đường Hiến Tông không theo và vẫn cho Bùi Độ làm tể tướng.

Trong khi đó Lý Sư Đạo lại chuẩn bị kế hoạch tấn công vào Đông Đô Lạc Dương. Lý Sư Đạo cử một đội quân đến bí mật đóng ở gần Lạc Dương, nói là hộ tống sứ giả của mình đến kinh. Chỉ huy đội quân này là sư Viên Tĩnh, năm đó hơn 80, từng phục vụ dưới thời Sử Tư Minh của Ngụy Yên. Kế hoạch của người Tề là cướp bóc vàng bạc châu báu trong cung điện Lạc Dương và giết một lượng lớn dân thường. Tuy nhiên bọn tiểu tướng Dương Tiến và Lý Tái Hưng đem việc này báo cho lưu thủ Lạc Dương là Lã Nguyên Ưng. Lã Nguyên Ưng liền cử quân bao vây các nơi đóng quân Bình Lư gần Đông Đô nhưng chưa tiến công. Quân Bình Lư tiến vào Lạc Dương phải băng qua một ngọn đồi ở phía nam; tại đây do thiếu lương thực, chúng bèn cướp thú săn được của một người tiều phu; do đó bọn tiều phu rất giận liền báo cho quân triều đình chỗ của quân Bình Lư. Lã Nguyên Ưng cho quân đuổi tới, hầu hết quân Bình Lư bị giết. Lã Nguyên Ưng thẩm vấn hai tướng giặc là Ti Gia Trân và Môn Sát, do đó biết được tất cả âm mưu của Lý Sư Đạo, kể cả nguyên do thực sự về cái chết của Đỗ Nguyên Hoành. Lã Nguyên Ưng gửi thư về triều đình, đại ý trong thư nói Lý Sư Đạo còn nham hiểm hơn cả Ngô Nguyên Tế hay Vương Thừa Tông, nếu không sớm liệu thì sẽ trễ mất. Tuy nhiên vua Đường Hiến Tông lúc này đã dồn hết lực lượng vào chiến trường Sở, Triệu nên không còn binh lực trong tay để đánh Tề.

Trước đó Jung Hwa, Lý Mặc Bá, Lý Thuận Trấn (có Yeom Mun đi cùng) đã đến doanh trại Lý Sư Đạo xin làm quân thương như Lý Đạo Hình, sau đó đích thân Jami phu nhân cũng rời Dương Châu đến Sơn Đông gặp Lý Sư Đạo. Jami phu nhân buộc Lý Đạo Hình phải cho bà ta quyền mở cửa tiệm ở Sơn Đông và Bột Hải (Hà Bắc, Trung Quốc) rồi bà ta mới giúp Lý Đạo Hình cung ứng quân nhu cho Lý Sư Đạo. Jami phu nhân sau đó để Jung Hwa ở lại doanh trại của Lý Sư Đạo rồi về Dương Châu.

Lúc này Tiết Bình đại nhân phái Trương Bảo Cao, Trịnh Niên, Bạch Hạ Trinh, Jang Seong-pil và Triệu Tương Kiến phái Thôi Võ Xương dẫn hộ vệ chở gạo đột phá vòng vây của Lý Sư Đạo đi Trường An. Đoàn người của Trương Bảo Cao nhanh chóng phá được vòng vây của Lý Sư Đạo ở kênh Đại Vận Hà, đưa gạo cho Vương Trí Hưng chuyển đến Trường An.

Lý Sư Đạo biết tin thì nổi giận, lệnh Yeom Mun tiêu diệt Trương Bảo Cao. Yeom Mun phái Trương hành thủ lén đến Dương Châu bắt tiểu thơ Thái Trân (con gái Tiết Bình) để buộc Trương Bảo Cao phải một mình đến doanh trại Lý Sư Đạo nạp mạng. Trương Bảo Cao muốn trả ơn cha con Tiết Bình nên phải đến doanh trại Lý Sư Đạo và bị Yeom Mun bắt lại, đưa cho Lý Sư Đạo giải quyết. Tiểu thơ Thái Trân được Yeom Mun thả về Dương Châu. Lúc đầu, Lý Sư Đạo đòi giết ngay Trương Bảo Cao nhưng Lý Đạo Hình đã ngăn lại. Lý Đạo Hình nói rằng chờ khi nào xuất chinh đánh Trường An mới chém đầu Trương Bảo Cao tế cờ. Lý Sư Đạo nghe theo và cho giam Trương Bảo Cao lại.

Lý Mặc Bá và Thuận Trấn phát hiện Trương Bảo Cao đã bị bắt thì hối lộ Tống Đạt (thuộc hạ của Yeom Mun) dẫn đến gặp mặt Trương Bảo Cao, sau đó họ đi báo cho tiểu thơ Jung Hwa biết. Tiểu thơ Jung Hwa gặp Yeom Mun nguyện làm người đàn bà của hắn để hắn cứu Trương Bảo Cao ra. Yeom Mun sau đó bịt mặt làm thích khách cứu Trương Bảo Cao thoát ra. Yeom Mun cũng tháo khăn bịt mặt cho Trương Bảo Cao biết rằng chính hắn thả Trương Bảo Cao. Trương Bảo Cao nhanh chóng quay lại nơi đóng của Trịnh Niên, Bạch Hạ Trinh, Giám quan Jang Seong-pil, Thôi Võ Xương rồi cùng về Dương Châu.

Lý Thuận Trấn và Lý Mặc Bá lúc này cũng từ doanh trại Lý Sư Đạo về Dương Châu, họ kể mọi chuyện của tiểu thơ Jung Hwa cho Trương Bảo Cao biết. Trương Bảo Cao đem chuyện Jami phu nhân cấu kết với Lý Sư Đạo đe doạ Jami phu nhân, buộc Jami phu nhân gọi Jung Hwa về Dương Châu. Jami phu nhân lệnh Kim Xương Kiếm (anh của Jung Hwa) đến doanh trại Lý Sư Đạo gọi Jung Hwa về nhưng cô ấy không chịu về.

Cuối năm 815, Lý Sư Đạo cử 9000 quân tấn công Từ châu, trị sở của trấn Vũ Ninh để đánh lạc hướng tấn công của quân trung ương. Tuy nhiên tướng Đường là Vương Trí Hưng đã đánh tan cuộc tấn công của quân Tề, giết được 2000 người, bắt 4000 con ngựa.

Đến mùa thu năm 816, hai tướng Lý Quang Nhan và Ô Trọng Dận chiếm được Lăng Vân Sách của Chương Nghĩa, sắp sửa đánh vào Thái châu. Lý Sư Đạo thấy tình cảnh đó rất lo sợ nên viết thư lên triều đình với lời lẽ thành khẩn. Do triều đình không còn binh lực trong tay nên đành phải phong cho Lý Sư Đạo làm Tư không.

Lý Sư Đạo hôn dung và ngu ngốc, nên chính sự bị bọn tì tướng chiếm hết. Ông gần gũi với bọn Lý Văn Hội và Lý Anh. Nhiều vị quan trong trấn như Cao Mộc, Quách 昈, Lý Công Độ... khuyên Lý Sư Đạo không nên chống lại vương sư, liền bị bọn Văn Hội gièm pha, kết quả là Lý Sư Đạo giết Cao và giam cầm Quách. Trong khi đó tình hình Chương Nghĩa rất nguy kịch, Lý Sư Đạo sai sứ giả Lưu Yến Bình đến Thái châu gặp Ngô Nguyên Tế bàn kế sách. Yến Bình phải lẩn tránh lực lượng triều đình rất vất vả mới đến được đất Sở. Khi vào yết kiến Ngô Nguyên Tế, Bình được tặng rất nhiều quà quý. Khi trở về Bình Lư, Yến Bình báo với Lý Sư Đạo rằng Ngô Nguyên Tế hôn ám, dù đang bị tấn công nhưng lại suốt ngày đá cầu và chè chén với bọn thê thiếp nữ tì, không hề quan tâm đến chánh sự; còn dự báo rằng họ Ngô không bao lâu nữa sẽ diệt vong. Những lời nói này không vừa ý của Lý Sư Đạo nên Lý Sư Đạo tìm cách vu oan Yến Bình rồi giết chết ông ta.

Năm 817, Vũ Ninh quân ở Dương Châu bắt đầu trưng binh từ hộ vệ của các thương đoàn Tân La tại Dương Châu. Tiết Bình cho giải tán tất cả hộ vệ để không còn hộ vệ nào xung quân cho nhà Đường nữa. Tiết độ sứ tỉnh Giang Tô biết được thì cho người bắt giữ Tiết Bình đem đi. Nghe tin đó, các hộ vệ đều trở lại xin Trương Bảo Cao cho họ xung quân để cứu Tiết Bình đại nhân ra. Trương Bảo Cao liền dẫn hộ vệ đi gặp tướng Vũ Ninh quân nhà Đường là Vương Trí Hưng xin được xung quân để thả Tiết Bình đại nhân ra. Vương Trí Hưng thả Tiết Bình ra và Trương Bảo Cao, Trịnh Niên, Bạch Hạ Trinh, Jang Seong-pil gia nhập Vũ Ninh quân. Triệu Tương Kiến cũng phải cho Thôi Võ Xương tham gia đội Vũ Ninh quân đi đánh Lý Sư Đạo. Còn Jami phu nhân và các thương đoàn Tân La khác không gửi hộ vệ xung quân nhà Đường dẹp loạn.

Một lần Vương Trí Hưng để các cánh quân Vũ Ninh đi trấn thủ phía bắc Dương Châu, bản thân ông thì dẫn vài tên lính tiến về Minh Châu. Lý Sư Đạo biết tin thì sai Yeom Mun dẫn quân đi bắt Vương Trí Hưng. Vương Trí Hưng nhanh chóng bị Yeom Mun đánh bại và bị bắt. Trương Bảo Cao, Trịnh Niên và Thôi Võ Xương được lệnh dẫn quân Vũ Ninh tập kích quân của Yeom Mun, cứu được Vương Trí Hưng về Dương Châu. Vương Trí Hưng sau đó được triệu về kinh đô Trường Anh nhà Đường và được vua Đường Hiến Tông phong làm Tiết độ sứ tỉnh Giang Tô. Kế đó Vương Trí Hưng quay lại Dương Châu nhậm chức. Với kỹ thuật cưỡi ngựa dùng giáo điêu luyện và có công cứu Vương Trí Hưng, Trương Bảo Cao, Trịnh Niên và Thôi Võ Xương đều được Vương Trí Hưng phong làm Thiếu tướng của Vũ Ninh quân, dưới quyền Vương Trí Hưng. Trong tác phẩm Phàn Xuyên Tập của nhà thơ Đỗ Mục đời Đường có chép rằng nhà Đường phong cho Trương Bảo Cao chức Thiếu tướng của Vũ Ninh quân (Vũ Ninh nay là Từ Châu, tỉnh Giang Tô) lúc ông 30 tuổi.

Khi nắm quyền quân sự ở Vũ Ninh, Trương Bảo Cao có nhiệm vụ dẹp tan cuộc phản loạn của Bình Lư quân do tiết độ sứ Lý Sư Đạo cầm đầu mong cướp ngôi nhà Đường, đời vua Đường Hiến Tông. Khi đó ở Sơn Đông nhà Đường có hàng ngàn người Tân La sinh sống, buôn bán và làm nô lệ.

Jami phu nhân định rời Dương Châu về Tân La thì bị Trương Bảo Cao dùng quyền của tướng Vũ Ninh quân ngăn cản lại. Bến tàu Dương Châu bị phong toả và không thương đoàn nào ở Dương Châu được rời Dương Châu đi cả.

Ở bản doanh Lý Sư Đạo, Yeom Mun để vuột mất Vương Trí Hưng nên bị Lý Sư Đạo giam lại. Tuy nhiên Yeom Mun nhanh chóng được Lý Sư Đạo thả ra cho sau này lập công chuộc tội. Lý Đạo Hình và tiểu thơ Jung Hwa dẫn thương đoàn đi mua lương thực ở Trường An cung ứng cho quân Lý Sư Đạo. Tuy nhiên họ bị Vũ Ninh quân bắt lại. Trương Bảo Cao nghe tin thì đến để giải quyết. Tuy nhiên Yeom Mun đã đến giải thoát cho Lý Đạo Hình và Jung Hwa ra.

Cuối năm 817, quân Đường do Lý Tố chỉ huy tiến vào Thái châu - trị sở của Chương Nghĩa quân, bắt sống và xử tử Ngô Nguyên Tế. Tin tức này lan đi khắp nơi, khiến Lý Sư Đạo và Vương Thừa Tông sợ hãi. Vương Thừa Tông dâng biểu lên triều đình xin dâng nộp hai châu Đức, Lệ và gửi hai con là Vương Tri Cảm, Vương Tri Tín vào triều làm con tin để tỏ ý quy thuận, triều đình nhà Đường chấp thuận. Trong khi đó ở Tri Thanh, Lý Sư Đạo chiếm giữ khu vực Tề-Lỗ gồm 12 châu là Tri, Thanh, Tề, Hải, Đăng, Lai, Nghi, Mật, Tào, Bộc, Duyện, Vận; Lý Công Độ và Lý Anh Đàm khuyên Lý Sư Đạo cắt ba châu Nghi, Mật và Hải cho triều đình và gửi con là Lý Hoằng Phương vào triều làm túc vệ, Lý Sư Đạo ban đầu đồng tình. Vua Đường Hiến Tông chấp thuận đề nghị này và cử Lý Tốn đến Bình Lư để thủ dụ Lý Sư Đạo.

Tuy nhiên trong lúc này, Lý Sư Đạo chỉ bàn việc cơ mật với vợ là Ngụy thị cùng bọn Hồ Duy Kham, Vương Tự Ôn, Dương Tái Thăng cùng thị thiếp Nguyên thị. Ngụy phu nhân không muốn đưa Lý Hoằng Phương đến Trường An nên nói với Lý Sư Đạo rằng nếu cắt ba châu thì thế lực của Bình Lư sẽ suy yếu đi rất nhiều, lúc đó nếu triều đình sẽ tấn công nữa thì cắt đất có được gì? Nhưng nếu không nộp đất thì quân triều đình sẽ tấn công Bình Lư, lúc đó cứ chiến đấu hết sức, nếu không đánh được thì mới tính lại chuyện dâng đất. Lý Sư Đạo nghe theo lời đó, và còn dự định giết Lý Công Độ. Tuy nhiên do sự cầu xin của Giả Trực Ngôn nên Lý Sư Đạo chỉ nhốt Lý Công Độ vào ngục nhưng vẫn giết Lý Anh Đàm.

Khi Lý Tốn đến Bình Lư, Lý Sư Đạo thoái thác việc nạp đất nhưng hứa gửi con tin cho nhà Đường. Lý Tốn cũng đoán biết được Sư Đạo không thực tâm, nên khi về kinh đã khuyên vua Đường Hiến Tông phải dùng biện pháp mạnh. Ngay lúc đó Lý Sư Đạo gửi biểu lên triều đình, nói rằng quân sĩ trong trấn bức ép ông không được dâng đất và gửi con tin. Vua Đường Hiến Tông được tin, vô cùng tức giận, hạ chiếu tước quan tước của Lý Sư Đạo, tập hợp binh ở các trấn Tuyên Vũ, Ngụy Bác, Nghĩa Thành, Vũ Ninh, Hoành Hải cùng tấn công Bình Lư của Lý Sư Đạo. Ban đầu lực lượng triều đình nhà Đường gặp một số trở ngại và bị đánh bại nhiều trận.

Lúc này Trương Bảo Cao muốn biết tin tức của tiểu thơ Jung Hwa nên xin Vương Trí Hưng cho đóng giả làm lính của Lý Sư Đạo để trà trộn vào bản doanh Lý Sư Đạo làm gian tế. Trịnh Niên cũng đi theo. Trương Bảo Cao và Trịnh Niên ghi chép lại nơi bố trí canh phòng của bản doanh Lý Sư Đạo, nhìn thấy tiểu thơ Jung Hwa bình yên vô sự thì yên tâm quay về Dương Châu.

Jami phu nhân sai Giáo vệ Neung Chang giết lính Vũ Ninh quân ở bến tàu Dương Châu rồi gửi thư cho Lý Sư Đạo. Sau đó Jami phu nhân lại sai Kim Xương Kiếm đem thư gửi Lý Sư Đạo lần nữa. Trương Bảo Cao bắt được Kim Xương Kiếm và lá thư của Jami phu nhân gửi Lý Sư Đạo, thu thập chứng cứ gửi Vương Trí Hưng buộc tội Jami phu nhân. Jami phu nhân nhanh chóng bị bắt đưa vào ngục. Binh bộ thị lang của Tân La là Kim Rihong đến Dương Châu báo với Vương Trí Hưng rằng vua Tân La Hiến Đức Vương còn phải dẹp loạn trong nước nên không thể gửi quân chi viện nhà Đường đánh Lý Sư Đạo được. Jami phu nhân trong ngục nghe việc này liền nhờ Kim Rihong xin Vương Trí Hưng thả bà ta ra thì bà ta sẽ bỏ tiền trả hết chi phí cho quân Tân La chi viện nhà Đường đánh Lý Sư Đạo. Vương Trí Hưng đồng ý thả Jami phu nhân ra nhưng lệnh cho Trương Bảo Cao trục xuất Jami phu nhân khỏi Dương Châu nhà Đường.

Không lâu sau đó quân Tân La đến giúp quân Đường cùng đánh Lý Sư Đạo. Lý Sư Đạo giận Jami phu nhân nên cho giam tiểu thơ Jung Hwa (người của thương đoàn Jami phu nhân) trong ngục.

Mùa đông năm 818, Tiết độ sứ Ngụy Bác là Điền Hoành Chánh cho quân vượt Hoàng Hà và áp sát Vận châu thì quyền chủ động trên chiến trường đã rơi vào tay liên quân. Tin thất bại lũ lượt bay về Vận châu, nhưng Lý Sư Đạo đều không muốn nghe. Tiết độ sứ Vũ Ninh là Lý Tố chiếm được Kim Hương, các tướng sĩ dưới quyền không ai dám thông báo việc này cho Lý Sư Đạo vì sợ bị giết (cho nên Lý Sư Đạo đến lúc chết vẫn không biết là Kim Hương đã mất). Binh sĩ trong trấn cho rằng thất bại ngày hôm nay là do Lý Văn Hội mà ra, nên Lý Sư Đạo đuổi Lý Văn Hội ra khỏi phủ.

Thấy Lý Sư Đạo sẽ bị đánh bại trong nay mai, Yeom Mun khuyên Lý Đạo Hình cùng Jang Dae Chi, Tống Đạt, Thiên Thái dẫn thương đoàn rời Lý Sư Đạo đi trước. Lý Đạo Hình dặn Yeom Mun rằng ông chờ ở Lưu Tam Phố.

Lúc này Trương Bảo Cao cùng Trịnh Niên, Thôi Võ Xương nhân lúc quân đội Lý Sư Đạo đi Bộc Châu, bỏ trốn doanh trại ở Sơn Đông thì dẫn quân Vũ Ninh (gồm người gốc Tân La và người nhà Đường) lên bờ từ Lưu Tam Phố, đánh vào bản doanh Lý Sư Đạo. Yeom Mun ở doanh trại Lý Sư Đạo cố gắng chống trả Vũ Ninh quân, nhưng sau thấy không chống nổi thì vào ngục cứu tiểu thơ Jung Hwa ra. Sau đó Yeom Mun dẫn tiểu thơ Jung Hwa rời khỏi doanh trại Lý Sư Đạo.

Trên đường Yeom Mun và Jung Hwa gặp quân Vũ Ninh truy sát nên Yeom Mun bảo Jung Hwa cưỡi ngựa đi Lưu Tam Phố. sẽ gặp Lý Đạo Hình. Tiểu thơ Jung Hwa đi sắp đến Lưu Tam Phố thì quay lại tìm Yeom Mun, nhưng Jung Hwa đã bị sơn tặc nhà Đường bắt đưa đi làm kỹ nữ ở Trường An. Yeom Mun bị Trương Bảo Cao, Trịnh Niên, Thôi Võ Xương truy đuổi đến vực thẩm sát bờ biển. Yeom Mun cùng ngựa phóng thẳng xuống biển và sau đó Yeom Mun được Lý Đạo Hình cứu lên tàu, đưa về Tân La.

Đầu năm 819, quân Bình Lư của Lý Sư Đạo liên tiếp thất bại ở Khảo Thành, Ngư Thai, Đông A, Dương Cố, Đông Hải,... tổn hại hơn 10.000 người; hai châu Hải, Nghi sắp mất. Lý Sư Đạo được tin, cho phòng bị kĩ càng ở Vận châu, bắt dân chúng đi lính xây thành và phục dịch khiến nhiều người oán hận. Khi đó Đô tri binh mã sử Lưu Ngộ nắm quyền chỉ huy phần lớn quân Bình Lư đối đầu với triều đình, có hơn 10.000 người đóng ở Dương Cốc. Lưu Ngộ khoan dung, nhân ái với các binh sĩ nên được họ ủng hộ gọi là Lưu phụ. Tuy nhiên khi lực lượng của Điền Hoằng Chánh vượt sông, Lưu Ngộ không có phòng bị nên bị đánh bại. Có kẻ tả hữu gièm pha với Lý Sư Đạo rằng Lưu Ngộ không tu quân pháp mà lo lấy lòng người, sợ sau này sinh biến. Do đó Lý Sư Đạo triệu Lưu Ngộ về Vận châu, có ý giết đi. Tuy nhiên có kẻ khác nói rằng trong tình thế như vậy mà giết tướng bên ngoài sẽ khiến quân tình hoang mang, nên Lý Sư Đạo bỏ ý định này, sau một tuần giam giữ đã thả cho Lưu Ngộ trở về và còn ban thưởng hậu hĩnh cho ông ta. Con trai Lưu Ngộ là Lưu Tòng Gián hiện làm túc vệ cho Lý Sư Đạo, thường chơi thân với bọn tùy tùng, do đó biết được ý định của Lý Sư Đạo và thông báo cho phụ thân. Từ đó Lưu Ngộ bắt đầu có ý đề phòng Lý Sư Đạo.

Lưu Ngộ trở về Dương Cốc, bắt đầu bố trí phòng bị. Lúc này Lý Sư Đạo lại muốn giết Lưu Ngộ nữa, nên vào ngày 7 tháng 3 năm 819 đã sai hai sứ giả đến quân doanh, gặp Hành doanh binh mã phó sứ Trương Xiêm dặn ông này lấy thủ cấp của Lưu Ngộ rồi trở về phục mệnh, hứa sẽ cho thống lĩnh quân của Lưu Ngộ. Tuy nhiên Trương Xiêm vốn thân thiết với Lưu Ngộ, đã thông báo việc này cho Lưu Ngộ. Lưu Ngộ sau khi biết được tin liền cho bắt hai sứ giả rồi giết đi. Vào đêm hôm đó, Lưu Ngộ triệu tập quân sĩ đến, khóc mà nói rằng Lý Sư Đạo muốn giết mình và nói rõ ý định bí mật đánh vào Vận châu, giết Lý Sư Đạo rồi sau đó đầu hàng triều đình nhà Đường. Binh mã sử Triệu Thùy Cức tỏ ra do dự, Lưu Ngộ bèn sai giết đi; lại giết những ai có ý chần chừ, được hơn 30 người đều phơi thây ở trướng tiền. Bọn tướng còn lại biết nói gì nữa ngoài việc tuân mệnh.

Lưu Ngộ lập tức hành quân ngay trong đêm, không dùng đèn đuốc, đi trong tĩnh lặng, gặp người đi đường thì bắt giữ. do đó không ai biết được. Sáng sớm ngày 8 tháng 3, quân của Lưu Ngộ tiến đến trước thành Vận châu, nói rằng phụng mệnh vào thành. Bọn quân giữ thành không đồng ý cho vào, Lưu Ngộ vẫn phá cửa mà vào, quân giữ thành đầu hàng. Bấy giờ Tử Thành đã mở, còn Nha Thành vẫn cố thủ; Lưu Ngộ cho phóng hỏa rồi nhân lúc hoảng loạn phá cửa mà tiến vào. Nha binh chỉ còn hơn trăm người, không thể chống lại lực lượng Lưu Ngộ. Lý Sư Đạo cùng hai con trốn dưới gầm giường, quân của Lưu Ngộ phát hiện ra được. Lưu Ngộ có ý để cho Lý Sư Đạo tự tận, nên sai người đến nhắn rằng:

Ngộ phụng chiếu áp giải Tư không đến triều, nhưng Tư không còn mặt mũi nào mà gặp thiên tử nữa đây.

Lý Sư Đạo vẫn muốn gặp Lưu Ngộ, con là Lý Hoằng Phương biết là không thể thoát chết nên nói:

Sự việc đã thế này, chết nhanh nhiều khi lại hơn.

Cha con Lý Sư Đạo và Lý Hoằng Phương nhanh chóng bị Lưu Ngộ bắt đi. Khi đó Trương Bảo Cao thống lĩnh quân lính gốc Tân La và quân lính nhà Đường dẹp tan đạo quân còn lại của Lý Sư Đạo tại căn cứ của chúng là phiên trấn Bình Lư ở Sơn Đông. Lý Sư Đạo bị đưa đi gặp Trương Bảo Cao. Lý Sư Đạo nói rằng tổ tiên ông là người Tân La, ông nổi dậy chống lại nhà Đường cũng vì mở mang lãnh thổ cho Tân La và khuyên Trương Bảo Cao là người Tân La thì đừng làm chó săn cho nhà Đường nữa. Trương Bảo Cao bắt đầu nhận thức được rằng mình là người Tân La thì không nên bán mạng cho nhà Đường.

Sau đó ba cha con Lý Sư Đạo đều bị Lưu Ngộ cho chém đầu. Lưu Ngộ sai quân tuần tra các phố, nghiêm cấm cướp bóc, rồi triệu tập quân dân đến cầu tràng mà úy dụ, tình hình nhanh chóng yên ổn trở lại. Lưu Ngộ lại xử tử bọn đồng mưu với Lý Sư Đạo hơn 10 nhà; sau đó Lưu Ngộ giao thủ cấp ba cha con Sư Đạo cho Điền Hoằng Chánh. Xác của Lý Sư Đạo ban đầu không ai dám lượm lấy để an táng, mãi về sau có Sĩ Anh Tú đứng ra làm việc đó. Vua Đường Hiến Tông hạ chiếu chia Bình Lư thành ba phần: ba châu Vận, Tào, Bộc giao cho Mã Tổng; năm châu Tri, Thanh, Tề, Đăng, Lai vẫn gọi là trấn Bình Lư, giao cho Tiết Bình, 4 châu Nghi, Hải, Duyện, Mật giao cho Vương Toại. Lại bắt Ngụy phu nhân và con út của Sư Đạo làm phục dịch trong cung, anh em họ của Lý Sư Đạo đều bị lưu đày. Mã Tổng cho an táng Lý Sư Đạo theo lễ văn nhân. Gia tộc họ Lý cai trị đất Tề-Lỗ từ năm 766 đến 819, tổng cộng 53 năm. 12 châu Tri, Thanh được bình định, trở về với nhà Đường.

Trương Bảo Cao được Tiết độ sứ tỉnh Giang Tô là Vương Trí Hưng phong làm Đại tướng Vũ Ninh quân. Tuy nhiên Trương Bảo Cao đã từ chối nhận chức quan, giải ngũ mà trở về tiếp tục làm thương gia của thương đoàn Tiết Bình. Thôi Võ Xương cũng về làm hộ vệ cho thương đoàn của Triệu Tương Kiến. Chỉ có Trịnh Niên ở lại đội Vũ Ninh quân nhà Đường.

Lúc này từ kinh nghiệm quân sự của mình, Trương Bảo Cao thổ lộ ý nguyện cho Tiết Bình rằng ông muốn trở thành đại thương gia Tân La, thiết lập trật tự trên biển Đông Á, mở ra mạng lưới mậu dịch trên biển nối liền Tân La, nhà Đường và Nhật Bản. Tiết Bình kinh ngạc trước giấc mơ của Trương Bảo Cao và quyết ý sẽ giúp Trương Bảo Cao đạt được ý nguyện này.

Năm 821 sau khi Lý Sư Đạo bị dẹp yên vào 2 năm trước, triều đình nhà Đường (đời vua Đường Mục Tông) cắt giảm bớt lực lượng quân sự để giảm bớt gánh nặng quân lương. Theo đó, Vũ Ninh quân cũng bị giải thể, nhưng vẫn còn một đạo quân Vũ Ninh giữ tỉnh Giang Tô.

Khi đó Trương Bảo Cao đã thống nhất người Tân La sống dọc theo bờ biển Sơn Đông và vùng Đại Vận Hà lại, cùng họ tạo nên mối liên kết buôn bán với nhau. Đồng thời Trương Bảo Cao còn cho xây dựng một ngôi chùa tên là Pháp Hoa Viện trên núi Xích Sơn (tỉnh Sơn Đông) để cầu xin chư Phật bảo hộ sự nghiệp buôn bán trên biển của ông được thịnh đạt. Ông chịu hết mọi phí tổn về y phục, lương thực,... cho sư tăng tại đây.

Sau đó Trương Bảo Cao đại diện thương đoàn Tiết Bình và thương đoàn Triệu Tương Kiến lên đường từ Dương Châu nhà Đường (đời vua Đường Mục Tông) sang Nhật Bản (đời Thiên hoàng Saga) để làm mối buôn bán giữa thương gia Tân La và Nhật Bản. Đi cùng Trương Bảo Cao có Thôi Võ Xương, tiểu thơ Thái Trân và Jang Seong-pil. Lúc đầu họ bị người Nhật giữ lại nhưng Trương Bảo Cao chủ trương sửa tàu cho quan lại người Nhật và được vị quan này cho buôn bán ở Nhật. Khi đoàn người Trương Bảo Cao trở về Dương Châu thì Trương Bảo Cao được đặc cách tham gia Hội nghị hành đô (do Tiết Bình làm Đại hành đô) dù Trương Bảo Cao chỉ là một Đại quan của thương đoàn Tiết Bình. Nỗ lực của Trương Bảo Cao bấy giờ nhằm tạo ra sức mạnh kinh tế dựa trên hoạt động thương mại và ảnh hưởng của Phật giáo.

Jami phu nhân lần này lại từ Tân La đến Dương Châu nhà Đường, đòi Tiết Bình triệu tập Hội nghị hành đô để bàn việc các thương đoàn Tân La có thể tham gia đấu thầu với bà ta để có thể buôn bán vải vóc của nhà Đường cho kinh đô Kim Thành (Khánh Châu - Gyeongju) của Tân La. Vì việc có lãi cao này mà nhiều thương gia hạ giá tơ lụa của mình và các thương gia Tân La chia rẽ lẫn nhau.

Trương Bảo Cao họp riêng các thương gia Tân La và yêu cầu họ bán hết số vải vóc cho thương đoàn mình rồi chính Trương Bảo Cao sẽ giao hàng cho Jami phu nhân bán ở Kim Thành. Trương Bảo Cao sau đó còn nói rằng sẽ lập một cứ điểm buôn bán ở đảo Thanh Hải thuộc Tân La để có thể mở ra mạng lưới mậu dịch trên biển giữa nhà Đường, Tân La và Nhật Bản, khí đó lãi cao rồi thì Trương Bảo Cao sẽ chia đều cho các thương gia Tân La. Các thương gia Tân La đồng ý làm theo. Trương Bảo Cao cũng mua hết vải vóc ở Dương Châu nhà Đường rồi đến đấu thầu với Jami phu nhân. Cuối cùng Jami phu nhân phải nuốt hận mua lại vải vóc của Trương Bảo Cao đem bán lại ở Kim Thành tại Tân La. Trương Bảo Cao sau đó còn phái các thương thuyền dùng buồm hình tam giác như người Ba Tư đi ngược gió để nhanh chóng sang Nhật Bản bán hết những vải vóc còn lại của thương đoàn mình với giá cao để kiếm lãi.

Sau Trương Bảo Cao cùng những chủ thương đoàn hảo tâm giàu có thậm chí còn thành lập những ngôi chùa Phật giáo Tân La trong khu vực Giang Tô và Sơn Đông nhà Đường, có liên quan đến nhà sư Nhật Bản thế kỷ thứ 9 Ennin.

Năm 822 tại nước Tân La (đời vua Tân La Hiến Đức Vương), Kim Hiến Xương nổi loạn, chiếm Võ Trân Châu (Muju). Hiến Đức Vương sai Kim Quân Trinh và Kim Trung Công đi đánh dẹp. Con của Kim Trung Công là Kim Minh giết chết Kim Hiến Xương. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.

Năm 823 con Kim Hiến Xương là Kim Đình nổi loạn chống lại triều đình nước Tân La. Vua Tân La Hiến Đức Vương lại sai Kim Quân Trinh và Kim Trung Công đi đánh dẹp. Kim Đình bị chết trong chiến loạn. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Con của Kim Đình là Kim Dương (cháu nội Kim Hiến Xương, lúc này 15 tuổi) được Kim Quân Trinh cứu mạng. Kim Trung Công đem con gái của Kim Dương ra xử tử và đồng ý với thỉnh cầu tha mạng cho Kim Dương của Kim Quân Trinh. Trên đường Kim Quân Trinh về triều thì bị bọn cướp chặn đánh, Kim Dương đã cứu ông. Kim Quân Trinh thu nhận và trọng vọng Kim Dương. Từ đó Kim Dương trở thành thuộc hạ của Kim Quân Trinh.

Lúc này ở Dương Châu nhà Đường (đời vua Đường Mục Tông), Trương Bảo Cao đã trở nên tức giận trước sự đối xử với những người đồng hương Tân La của mình, những người ở vùng đất không ổn định của nhà Đường quá cố thường trở thành nạn nhân của cướp biển ven biển hoặc kẻ cướp nội địa. Trên thực tế, các đối tượng người Tân La sống ở nhà Đường đã trở thành mục tiêu ưa thích của những tên cướp, những kẻ đã bán tù nhân của họ làm nô lệ. Vua Đường Mục Tông đã đi xa tới mức ban hành sắc lệnh ngăn chặn buôn bán nô lệ Tân La và ra lệnh trả lại tất cả những người Tân La bị bắt cóc về nước Tân La (đời vua Tân La Hiến Đức Vương). Sau đó Jami phu nhân rời Dương Châu nhà Đường về Võ Trân Châu (Muju) thuộc Tân La.

Năm 824 nước Tân La (đời vua Tân La Hiến Đức Vương) đứng trước họa xâm lăng từ nước Bột Hải (đời vua Bột Hải Tuyên Vương) phương Bắc. Hiến Đức Vương cho xây trường thành dài 300 lý gần sông Đại Đồng, sau này nó thành biên cương phía bắc đất nước Tân La.